Dịch thuật

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Xây dựng nghề trọng điểm: Cơ hội và thách thức


Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước, đặc biệt là nhu cầu về đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phê duyệt cho một số trường nghề xây dựng các nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 3 trường được đầu tư xây dựng nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực ASEAN với 8 nghề trọng điểm đã được phê duyệt.
Cơ hội cho các trường nghề
Ông Nguyễn Thành Hoàng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hưng Yên cho biết, Trường được phê duyệt đầu tư 3 nghề trọng điểm quốc gia gồm: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; điện tử công nghiệp; cắt gọt kim loại. Theo “Dự án đầu tư tập trung đồng bộ 3 nghề trọng điểm” đã được UBND tỉnh phê duyệt cho nhà trường giai đoạn 2011-2015, nhà trường sẽ được đầu tư gần 400 tỷ đồng, bao gồm vốn của chương trình mục tiêu quốc gia và một số nguồn vốn khác nhằm bảo đảm các điều kiện của nghề trọng điểm quốc gia theo quy định. Các hạng mục đầu tư gồm: Mở rộng, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành nghề, xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo giáo viên… Về đội ngũ, gần 90% số cán bộ, giáo viên nhà trường có trình độ đại học, 6 cán bộ, giáo viên đang đào tạo sau đại học. Theo dự án này, trường sẽ xây dựng thêm nhà học lý thuyết 12 tầng và nhà ký túc xá 5 tầng, với tổng diện tích được mở rộng gần 15 nghìn m2. Ông Hoàng cho rằng, thực hiện chủ trương xây dựng nghề trọng điểm quốc gia, nhà trường sẽ có những thay đổi mạnh mẽ về quy mô, chất lượng đào tạo. Trường Trung cấp nghề Hưng Yên là một trong 3 trường nghề trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng nghề trọng điểm, với tổng số 8 nghề trọng điểm đã được phê duyệt. Trong đó, 1 nghề đào tạo theo cấp độ ASEAN và 7 nghề đào tạo theo cấp độ quốc gia.
Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải Hưng Yên được phê duyệt đầu tư 2 nghề trọng điểm cấp quốc gia gồm: Xây dựng cầu đường bộ; vận hành máy thi công nền.
Với những thành tích trong các cuộc thi khu vực, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Thủy lợi được phê duyệt 3 nghề trọng điểm. Trong đó 1 nghề đào tạo theo cấp độ ASEAN là điều khiển tàu cuốc; 2 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia là vận hành và sửa chữa trạm bơm điện, điện công nghiệp. Ông Dương Đức Phương, hiệu trưởng nhà trường cho biết, đầu tư xây dựng nghề trọng điểm cấp khu vực sẽ là cơ hội để trường vươn ra hội nhập khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho người học có thể tìm việc ở nước ngoài với bằng cấp đào tạo trong nước.
Việc xây dựng nghề trọng điểm được đánh giá là cơ hội lớn cho các trường nghề mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường nghề được phê duyệt nghề xây dựng nghề trọng điểm sẽ được đầu tư tập trung đồng bộ các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo nghề như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề... Ngoài nguồn vốn của đơn vị, các trường sẽ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách các cấp để đầu tư đạt chuẩn theo cấp độ của từng nghề đã được phê duyệt.
Được biết, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã tính toán để các nghề trọng điểm của mỗi trường ở một tỉnh cũng như trong khu vực sẽ không trùng nhau, tránh chồng chéo, gây lãng phí, dễ dàng hơn trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các nghề trọng điểm cũng bám sát nhu cầu xã hội, đặc điểm vùng miền để mang lại hiệu quả cao, người học dễ tìm được việc làm sau khi ra trường, cơ sở sản xuất dễ dàng tìm được lao động đáp ứng yêu cầu...
Và thách thức…
Việc đầu tư xây dựng các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế được các trường nghề đánh giá là một chủ trương đúng nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc hội nhập. Tuy nhiên, việc xây dựng các nghề trọng điểm đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo đảm hiệu quả như mục tiêu đề ra bởi những khó khăn hiện tại.
Vấn đề đầu tiên (đã tồn tại từ nhiều năm nay đối với các trường nghề và nếu không có sự cải thiện sớm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các nghề trọng điểm), đó là vấn đề khó tuyển sinh. Năm 2011, Trường Trung cấp nghề Hưng Yên tuyển sinh đạt bình quân gần 60%, tăng 20% so với kỳ tuyển sinh năm trước, đã được coi là thắng lợi. Nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh, số lượng tuyển sinh đều thiếu nhiều so với chỉ tiêu đề ra, nhất là các ngành nghề đào tạo dài hạn. Nguyên nhân mấu chốt của tình trạng này được cho là tâm lý “trọng thầy, khinh thợ”, coi trọng bằng cấp đại học, xem nhẹ bằng nghề do chưa có sự công bằng trong sự đánh giá tôn vinh cũng như chế độ chính sách được hưởng của người có bằng nghề và người có bằng đại học khi ra công tác. Hơn nữa, các trường đại học, cao đẳng lại không ngừng mở rộng quy mô, nhiều trường mới được thành lập, tỷ lệ học sinh đỗ đại học ngày càng tăng... vì vậy số học sinh mặn mà với trường nghề ngày càng hiếm hoi. Bởi thế, việc xây dựng nghề trọng điểm lớn đến bao nhiêu, đạt tiêu chuẩn cấp độ quốc gia hay quốc tế cũng sẽ không mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra nếu số lượng tuyển sinh được quá ít thậm chí không tuyển sinh được…
Không những thế, lượng thiết bị máy móc phục vụ thực hành ở các trường nghề tuy được đầu tư với kinh phí lớn, số lượng nhiều nhưng dễ dàng lạc hậu rất nhanh so với thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp. Và khi doanh nghiệp thường xuyên phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng vì kỹ năng và kiến thức không bảo đảm yêu cầu, đồng nghĩa với việc lạc hậu của các trường nghề trong đào tạo các ngành nghề, dù là nghề trọng điểm cấp nào đi nữa. Một mô hình đã được đưa ra nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và đem lại lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp là liên kết đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp. Tuy vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, hầu như chưa có ngành nghề nào được đào tạo nhờ liên kết…
Chủ trương xây dựng nghề trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trước hết, các trường nghề cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định thương hiệu, thu hút học viên. Tuy nhiên về lâu dài, cần có chính sách bảo đảm sự công bằng trong đánh giá giữa người tốt nghiệp đại học và tốt nghiệp trường nghề. Khi trường nghề thu hút được đông người học, đề án xây dựng các nghề trọng điểm mới bước đầu đạt được hiệu quả.

(Theo Báo Hưng Yên)

1 nhận xét: